Trong những năm gần đây trước những nhu cầu của thị trường về hàng hóa lâm sản, các sản phẩm gỗ từ rừng trồng được các nhà sản xuất, cung ứng nguyên liệu quan tâm, chú trọng thu mua, chế biến. Giá gỗ rừng trồng để cung cấp nguyên liệu tăng đáng kể. Có được điều này một mặt là nhờ nhu cầu tăng vọt của thị trường tiêu thụ về nguyên liệu gỗ, mặt khác, trong hoạt động trồng rừng, người nông dân đã biết ứng dụng khoa học công nghệ . “Nhiều giống cây trồng mới được ứng dụng tạo nên các khu rừng có năng suất và chất lượng gỗ rất cao, bình quân từ 100 – 150 m3 /ha khi trồng được khoảng 6 – 7 năm” báo Quảng Trị.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/2/2007 đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 trên địa bàn cả nước phải có 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững. Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên thiên nhiên đang là một trong những giải pháp ưu tiên nhằm giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường gây ra. Những đòi hỏi về nguồn gốc/ xuất xứ của gỗ, tính hợp pháp của gỗ ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm hơn thông qua việc mua bán các sản phẩm được sản xuất có nguổn gốc từ gỗ.
Trên thực tế, diện tích rừng trồng của các hộ gia đình hầu hết ở quy mô nhỏ khoảng từ 1-3 ha, những năm trước đây, việc trồng rừng được thực hiện theo hình thức tự phát, quảng canh, không được đầu tư, chăm bón đúng mức. Rừng trồng với mục tiêu chủ yếu là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giá trị kinh tế do rừng đem lại thấp không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư phát triển sản xuất, người dân bị chèn ép giá khi tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng.
Việc quản lý rừng bền vững – cấp chứng chỉ rừng được thực hiện trên địa bàn các tỉnh miền Trung trong thời gian qua là bước đi cần thiết nhằm đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế của đất nước, mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.
“Theo các hộ gia đình đã được cấp chứng chỉ rừng ở Trung Sơn, huyện Gio Linh, giá bán gỗ có chứng chỉ cao hơn so với giá bán gỗ thông thường tại cùng thời điểm từ 20 – 30%. Bình quân lợi nhuận thu được khi bán 1 ha rừng khai thác khoảng 100 triệu – 120 triệu đồng. Với giá bán trên, người trồng rừng thu lợi cao hơn trồng rừng bán gỗ thông thường, người dân chủ động hoàn toàn trong việc ký kết hợp đồng mua bán, không có tình trạng mua bán qua trung gian bị ép giá”.
Trong khuôn khổ hợp tác với dự án AgriCord hỗ trợ xây dựng chứng chỉ rừng các tỉnh miền Trung, trung tâm Nghiên cứu Biến Đổi khí hậu miền Trung- trường Đại học Nông Lâm Huế đã được mời làm đơn vị tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án. Qua đó, trung tâm đã tiến hành các buổi tập huấn và đánh giá cho gần 20 hợp tác xã cùng hàng trăm hộ dân có rừng muốn tham gia vào chứng chỉ rừng thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi. Với kinh nghiệm có được, trong năm 2015, Trung tâm đã tư vấn cho Ban quản lý dự án AgriCord nhằm tuyên truyền, vận động nhiều hộ gia đình nông dân ở các địa phương hăng hái tham gia mô hình quản lý rừng bền vững cấp chứng chỉ rừng PEFC. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh TT-Huế, diện tích rừng dự kiến sẽ tham gia cấp chứng chỉ là hơn 1000 ha của hơn 300 hộ gia đình. Tại Quảng Ngãi đã có đến 11 hợp tác xã đăng ký tham gia vào việc xin cấp chứng chỉ rừng. Trong tương lai, Trung tâm còn hướng đến việc phát triển thêm diện tích rừng sẽ tham gia vào nhóm chứng chỉ. Mở rộng chứng chỉ rừng đến các tỉnh khác của miền Trung. Hi vọng đây là bước tiến mới trong vấn đề chứng chỉ rừng mà lâu nay Chính phủ và Nhà nước ta vẫn rất quan tâm.